10-06-2025 |Tin tức - Sự kiện

Phố Wall tăng nhẹ nhờ kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ – Trung

Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/6) với diễn biến trái chiều giữa các chỉ số. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ nhờ tâm lý lạc quan thận trọng khi Mỹ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán thương mại tiếp theo. Giá dầu cũng nhích lên khi nhà đầu tư kỳ vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được thỏa thuận, qua đó cải thiện triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Kết phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, lên 6.005,88 điểm, ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp. Nasdaq tăng 0,31%, đạt 19.951,24 điểm. Riêng Dow Jones giảm nhẹ 1,11 điểm, còn 42.761,76 điểm.

Đúng như lịch trình do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm thứ Sáu, các quan chức cấp cao của Mỹ đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại thứ hai với Trung Quốc tại London (Anh) vào ngày thứ Hai. Phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. Dẫn đầu đoàn Trung Quốc là Phó thủ tướng Hà Lập Phong.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC ngày 9/6, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC) Kevin Hassett cho biết, Mỹ kỳ vọng vòng đàm phán này sẽ đạt được cam kết từ phía Trung Quốc về việc nối lại hoạt động xuất khẩu các khoáng sản quan trọng.

“Mục tiêu của cuộc gặp hôm nay là đảm bảo rằng họ nghiêm túc. Chúng tôi muốn có những cái bắt tay để giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Hassett nói. “Kỳ vọng của chúng tôi là ngay sau những cái bắt tay, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ phía Mỹ sẽ được nới lỏng, dòng chảy đất hiếm từ Trung Quốc sẽ được khôi phục, sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán các vấn đề nhỏ hơn”.

Theo nguồn tin của CNBC, đàm phán sẽ tiếp tục vào sáng thứ Ba. Cuộc gặp lần này diễn ra sau cuộc điện đàm kéo dài giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước. Trước đó, hồi tháng 5, các nhà đàm phán hai nước đã gặp nhau tại Geneva (Thụy Sỹ) và nhất trí tạm thời giảm 10% thuế quan đối ứng trong vòng 3 tháng để tạo điều kiện cho đàm phán.

Nhóm cổ phiếu bán dẫn đồng loạt tăng giá trong phiên do kỳ vọng Mỹ sẽ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu linh kiện sang Trung Quốc. Cổ phiếu Qualcomm tăng hơn 4%, một phần nhờ thông tin công ty sẽ mua lại Alphawave với giá 2,4 tỷ USD. Cổ phiếu AMD tăng 4,8%, Texas Instruments tăng 3,5% và Nvidia cũng tăng nhẹ.

Cổ phiếu Alibaba cũng tăng 1,8%.

“Nhà đầu tư đã giao dịch dựa trên tâm lý lạc quan thận trọng hôm nay, tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn của Trung Quốc và nhóm cổ phiếu chip của Mỹ. Đây đều là những nhóm hưởng lợi từ tiến triển đàm phán thương mại Mỹ – Trung”, ông Larry Tentarelli, chiến lược gia trưởng của Blue Chip Daily Trend Report, nhận định.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Apple giảm 1,2% khi công ty tổ chức sự kiện Worldwide Developers Conference (WDC) 2025 dành cho các nhà phát triển phần mềm. Tại sự kiện, Apple công bố phiên bản thiết kế mới của hệ điều hành iPhone — lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Trong tuần này, nhà đầu tư Phố Wall sẽ dõi theo tiến trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung và số liệu lạm phát của Mỹ. Theo kế hoạch, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 vào ngày thứ Tư — một cơ sở quan trọng để đánh giá tác động của thuế quan lên nền kinh tế.

Tuần trước, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, trong đó S&P 500 lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 điểm kể từ ngày 21/2.

Giá dầu tăng nhờ hy vọng vào đàm phán thương mại

Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,44 USD/thùng (+0,7%), lên 66,91 USD/thùng. Dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,59 USD/thùng (+0,9%), lên 65,17 USD/thùng.

Nhà đầu tư kỳ vọng rằng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu đạt được, sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuần trước, kỳ vọng này đã giúp giá dầu Brent tăng 4% và dầu WTI tăng 6,2%.

Đồng USD yếu đi cũng hỗ trợ giá dầu, khi chỉ số Dollar Index giảm 0,2%.

“Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung đang giúp giảm bớt áp lực bán trên thị trường dầu”, công ty tư vấn Ritterbusch and Associates nhận định.

Tuy nhiên, áp lực tăng nguồn cung từ OPEC+ vẫn là yếu tố cần theo dõi. Theo khảo sát của Reuters công bố ngày 9/6, sản lượng dầu của OPEC+ trong tháng 5 đạt 26,75 triệu thùng/ngày, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng trước, trong đó Saudi Arabia là nước đóng góp mức tăng lớn nhất. Tuy vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn so với kế hoạch tăng 411.000 thùng/ngày của OPEC+.

Trinh Ngoc Khiem

Vietcaplink Team