Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/6), khi nhà đầu tư tạm thời gác lại lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Giá dầu thô cũng bật tăng nhờ dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ giảm, bất chấp việc OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,41% lên 5.395,94 điểm. Nasdaq tăng 0,67%, đạt 19.242,61 điểm. Dow Jones nhích nhẹ 35,41 điểm, tương đương 0,08%, lên 42.305,48 điểm.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục gia tăng sau khi hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận đạt được tại Geneva. Trong khi Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vào cuối tuần trước, thì Bắc Kinh cũng phản pháo vào ngày thứ Hai. Tuy nhiên, kỳ vọng về khả năng hạ nhiệt đã xuất hiện khi một quan chức cấp cao Nhà Trắng tiết lộ với CNBC rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ đối thoại trong tuần này.
“Cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Tập có thể mang tính quyết định, giúp thị trường bớt bất định. Nếu đạt được sự rõ ràng, các chỉ số có thể tiếp tục lập đỉnh. Ngược lại, sự bất ổn sẽ còn kéo dài,” ông Jay Woods, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Freedom Capital Markets, nhận định với CNBC.
Căng thẳng cũng gia tăng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sau khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi thuế thép lên 50%. EU cảnh báo động thái này có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán thương mại xuyên Đại Tây Dương, đồng thời gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.
Cổ phiếu ngành thép ghi nhận mức tăng ấn tượng trong phiên, dẫn đầu là Cleveland-Cliffs với mức tăng 23%. Các mã như Dynamics và Nucor cũng tăng khoảng 10%, nhờ hưởng lợi từ chính sách thuế mới.
Phiên tăng điểm này nối tiếp đà phục hồi mạnh trong tháng 4, khi S&P 500 tăng 6% – tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Nasdaq tăng hơn 9% và Dow Jones tăng khoảng 4% trong tháng.
Giá dầu bật tăng do nguồn cung Mỹ giảm
Trên thị trường năng lượng, giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,73 USD (2,85%), lên 62,52 USD/thùng. Dầu Brent tại London tăng 1,85 USD (2,9%), lên 64,63 USD/thùng.
Đà tăng giá dầu xuất phát từ việc số lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ giảm 4 tuần liên tiếp trong tháng 5, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Theo Baker Hughes, trong tuần kết thúc ngày 30/5, số giàn khoan giảm thêm 3, còn 563.
Ngoài ra, động thái tăng sản lượng của liên minh OPEC+ – với mức tăng 411.000 thùng/ngày trong tháng 7 – được đánh giá là phù hợp kỳ vọng và không tạo áp lực lớn lên giá dầu. Một số nhà đầu tư thậm chí còn lo ngại OPEC+ có thể tăng sản lượng mạnh hơn.
“Thị trường đã lo ngại về việc tăng tốc kế hoạch nâng sản lượng. Thực tế mức tăng hiện tại khá hợp lý, và thị trường còn đang thắt chặt nên có thể hấp thụ được,” ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại UBS, nhận xét.
Nhóm 8 thành viên OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu đang từng bước đảo ngược kế hoạch cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày. Tính đến nay, sản lượng đã được nâng thêm 1,2 triệu thùng/ngày.
Tính từ đầu năm, giá dầu WTI đã giảm gần 13% do lo ngại suy yếu nhu cầu năng lượng toàn cầu. Một số công ty dầu đá phiến của Mỹ như Diamondback Energy đã cảnh báo sản lượng nội địa sẽ giảm nếu giá không cải thiện.
“Chúng ta đang trong một quá trình mà giá dầu giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy giá quay đầu tăng. Mức 60 USD/thùng là quá thấp, và đây có thể là điểm đảo chiều,” ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group, nói với CNBC.
Goldman Sachs dự báo OPEC+ sẽ tiếp tục tăng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 8 trước khi tạm dừng. Ngân hàng này ước tính thị trường dầu toàn cầu sẽ thừa cung 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2026. Mức giá dầu WTI năm nay được dự báo bình quân ở 56 USD/thùng, và dầu Brent ở mức 60 USD/thùng. Sang năm 2026, mức giá dự báo lần lượt là 52 và 56 USD/thùng.