Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ lùi thời hạn áp mức thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sang ngày 9/7, thay vì ngày 1/6 như thông báo trước đó.
Phát biểu trước báo giới tại sân bay Morristown, bang New Jersey, trên đường trở về Washington D.C., Tổng thống Trump cho biết: “Chúng tôi đã có một cuộc điện đàm tốt đẹp và tôi đồng ý lùi thời hạn áp thuế.” Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc trao đổi giữa ông và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Trên mạng xã hội X cùng ngày, bà von der Leyen cho biết EU “sẵn sàng thúc đẩy đàm phán một cách nhanh chóng và quyết đoán”, nhưng nhấn mạnh rằng “một thỏa thuận tốt” sẽ cần thêm thời gian – cụ thể là đến ngày 9/7, thời điểm kết thúc giai đoạn 90 ngày hoãn áp thuế theo đề xuất của phía Mỹ.
Theo kế hoạch thuế quan mà Tổng thống Trump công bố hồi tháng 4, EU ban đầu sẽ phải đối mặt với mức thuế 20%, sau đó được tạm thời giảm xuống 10% trong vòng 90 ngày – tương tự như với các đối tác thương mại khác.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu tuần trước, ông Trump bất ngờ cảnh báo sẽ nâng mức thuế lên 50% từ ngày 1/6, chỉ trích EU chậm trễ trong đàm phán, đồng thời cáo buộc khối này sử dụng các vụ kiện và quy định giám sát “thiếu công bằng” nhằm gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ “rất khó đàm phán với EU” và các cuộc thảo luận hiện tại “không mang lại kết quả”. Khi được hỏi liệu ông có muốn đạt được thỏa thuận trước tháng 6 hay không, ông trả lời: “Không.”
Theo Bloomberg, các quan chức EU vẫn đang nỗ lực xác định rõ lập trường và yêu cầu từ phía Mỹ trong quá trình đàm phán. Mặc dù EU đã gợi ý khả năng hai bên cùng giảm thuế về mức 0 đối với nhiều mặt hàng, Tổng thống Trump lại tập trung vào các rào cản phi thuế quan – vốn được cho là gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp Mỹ tại thị trường châu Âu.
Phát biểu trên kênh Fox News ngày Chủ nhật, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Michael Faulkender nhấn mạnh rằng Washington đang phải đối mặt với thách thức kép: vừa đàm phán với EU như một khối thống nhất, vừa phải xử lý các rào cản phi thuế quan riêng biệt với từng quốc gia thành viên trong khối.
Tuần trước, EU đã gửi tới Mỹ một đề xuất thương mại mới nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán. Cao ủy phụ trách thương mại của EU, ông Maros Sefcovic, cũng đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào hôm thứ Sáu. Theo nguồn tin thân cận, khuôn khổ đề xuất mới bao gồm các nội dung liên quan đến cả rào cản thuế quan và phi thuế quan, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác về an ninh kinh tế, đầu tư, mua sắm chiến lược và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Ước tính từ Bloomberg Economics cho thấy, nếu mức thuế 50% được thực thi, khoảng 321 tỷ USD giá trị hàng hóa trong thương mại Mỹ–EU sẽ bị ảnh hưởng, có thể khiến GDP của Mỹ giảm 0,6% và làm tăng giá tiêu dùng nội địa hơn 0,3%.
Tổng thống Trump cho biết ông muốn sử dụng công cụ thuế quan để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại Mỹ, thay vì sản xuất ở nước ngoài rồi đưa hàng về thị trường trong nước. Cũng trong ngày thứ Sáu, ông cảnh báo có thể áp thuế 25% đối với các loại điện thoại thông minh sản xuất bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả sản phẩm của Apple và Samsung.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn ngày Chủ nhật, Tổng thống Trump nói ông đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng Mỹ không nhất thiết phải đưa hoạt động sản xuất dệt may trở lại trong nước. “Chúng tôi không cần sản xuất giày thể thao hay áo phông. Chúng tôi muốn sản xuất thiết bị quân sự,” ông nói, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như chip bán dẫn, máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ.