20-05-2025 |Tin tức - Sự kiện

Chứng khoán tăng bất chấp Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày thứ Hai (19/5), bất chấp thông tin tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ một bậc điểm tín nhiệm quốc gia của Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt trong phiên nhưng nhanh chóng hạ nhiệt, trong khi giá dầu cũng nhích nhẹ giữa bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ – Iran không đạt tiến triển.

Kết thúc phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,09% lên 5.693,6 điểm; Nasdaq tăng 0,02% lên 19.215,46 điểm; Dow Jones tăng 137,33 điểm (0,32%) lên 42.792,07 điểm.

Trước đó vào thứ Sáu, Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất Aaa xuống Aa1 – tương đương mức đánh giá hiện tại của Fitch Ratings và Standard & Poor’s. Moody’s viện dẫn thâm hụt ngân sách và chi phí lãi vay gia tăng là lý do chính cho quyết định này.

Thông tin trên đã gây áp lực lên thị trường trái phiếu, đẩy lợi suất tăng mạnh trong đầu phiên. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm có thời điểm vượt mốc 5%, còn kỳ hạn 10 năm lên trên 4,5% – mức từng góp phần khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào tháng trước. Đà tăng lợi suất khiến Dow Jones có lúc giảm hơn 300 điểm và S&P 500 mất gần 1%. Tuy nhiên, thị trường sau đó phục hồi nhờ lợi suất trái phiếu giảm trở lại.

Ông Ross Mayfield, chuyên gia phân tích tại Baird, nhận định: “Báo cáo của Moody’s không đưa ra điều gì quá bất ngờ. Đây có thể chỉ là cái cớ để thị trường tạm điều chỉnh, chứ không thay đổi triển vọng tích cực trong 6–12 tháng tới”.

Giới đầu tư Phố Wall hiện vẫn lạc quan rằng Mỹ sẽ đạt được các thỏa thuận thương mại với các đối tác, giúp duy trì xu hướng tăng giá của cổ phiếu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cảnh báo về các rủi ro đang bị đánh giá thấp. CEO JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn và chính sách tiền tệ có phần chủ quan. Mọi người cảm thấy ổn vì thuế quan chưa phát huy hết tác động. Thị trường đã giảm 10% rồi lại hồi 10%. Đó là một sự chủ quan lớn.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, nếu các đối tác thương mại không thể hiện thiện chí trong đàm phán, ông Trump có thể áp dụng mức thuế quan đã công bố từ tháng 4.

Giá dầu tăng nhẹ giữa bất ổn địa chính trị

Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên, khi thị trường đánh giá các thông tin trái chiều: đàm phán hạt nhân Mỹ – Iran không có tiến triển, trong khi số liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng.

Cụ thể, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,13 USD/thùng (0,2%) lên 65,54 USD/thùng; dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,2 USD/thùng (0,32%) lên 62,69 USD/thùng.

Việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm Mỹ tạo áp lực giảm giá dầu, nhưng xu hướng này được cân bằng bởi thông tin tiêu cực từ đàm phán hạt nhân Mỹ – Iran. Phía Iran tuyên bố sẽ không nhượng bộ nếu Mỹ không thay đổi lập trường, khiến hy vọng đạt được thỏa thuận – vốn sẽ giúp Iran tăng xuất khẩu 300.000–400.000 thùng/ngày – ngày càng mờ nhạt.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – đều chậm lại, góp phần tạo sức ép lên giá dầu. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây chỉ là trở ngại ngắn hạn.

Ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích của UBS, đánh giá: “Dữ liệu từ Trung Quốc không tích cực, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ tác động quá mạnh đến xu hướng giá dầu hiện tại”.

Nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định, giá dầu có thể tiếp tục biến động trong ngắn hạn do chịu ảnh hưởng từ hàng loạt yếu tố như chính sách thuế quan của Mỹ, triển vọng chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine, và kết quả đàm phán hạt nhân.

Cũng trong ngày thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc điện đàm với ông Trump rằng Moscow sẵn sàng đàm phán ngừng bắn với Ukraine, động thái có thể ảnh hưởng lớn tới nguồn cung dầu toàn cầu nếu cuộc chiến kết thúc.

Trinh Ngoc Khiem

Vietcaplink Team