15-07-2025 |Tin tức - Sự kiện

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên

Nhà đầu tư kỳ vọng trong thời gian từ nay đến ngày 1/8, các đối tác thương mại của Mỹ vẫn có thể đàm phán với Washington để đạt được mức thuế quan thấp hơn.

Giá dầu thô phiên đầu tuần giảm khá mạnh, dù Tổng thống Donald Trump đe dọa triển khai thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga – động thái có thể làm thắt chặt nguồn cung dầu từ quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Kết phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,14% lên 6.286,56 điểm; Nasdaq tăng 0,27% lên 20.640,33 điểm; Dow Jones tăng 88,14 điểm (0,2%) lên 44.459,65 điểm.


Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong phiên đầu tuần vẫn là vấn đề thuế quan.
Cuối tuần qua, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 30% lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico vào Mỹ từ ngày 1/8. Sau đó, lãnh đạo EU và Mexico đều phát tín hiệu sẽ tiếp tục đàm phán với chính quyền ông Trump trong tháng 7 nhằm đi tới mức thuế thấp hơn.

Những cảnh báo thuế quan mới được đưa ra đúng lúc thị trường bước vào một tuần giao dịch sôi động. Ngày thứ Ba tới, số liệu lạm phát dự kiến công bố sẽ phản ánh rõ hơn tác động của chính sách thuế quan đối với lạm phát Mỹ, đồng thời ảnh hưởng tới định hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, tuần này cũng mở màn mùa báo cáo tài chính quý II/2025, bắt đầu với kết quả của JPMorgan Chase công bố ngày thứ Ba.

“Câu hỏi lớn với thị trường trong những tuần tới vẫn là triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Nếu lợi nhuận vẫn duy trì tăng trưởng tốt, nhà đầu tư có thể tạm gác lo ngại về thuế quan. Hiện tại, thị trường vẫn vững trước các thông tin về thuế và quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận doanh nghiệp cùng sức khỏe của nền kinh tế”, ông Glen Smith, Giám đốc đầu tư tại GDS Wealth Management, chia sẻ với CNBC.


Một vấn đề khác mà thị trường đang theo dõi là mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền ông Trump và Fed.
Phát biểu trên ABC News ngày thứ Hai, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) Kevin Hassett cho biết ông Trump có thể sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell “nếu có lý do chính đáng”.

Chính quyền ông Trump chỉ trích dự án cải tạo trụ sở Fed ở Washington là “xa hoa, lãng phí”, trong khi Fed khẳng định dự án này cần thiết và không phải xa xỉ. Về chính sách tiền tệ, Fed vẫn giữ quan điểm “chờ xem” tác động thực sự của thuế quan đối với lạm phát trước khi điều chỉnh lãi suất.


Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu giảm mạnh.
Giá dầu Brent tại London giảm 1,15 USD/thùng (1,63%), còn 69,21 USD/thùng; dầu WTI tại New York giảm 1,47 USD/thùng (2,15%), còn 66,98 USD/thùng.

Ông Trump tuyên bố có thể áp thuế quan lên tới 100% đối với những quốc gia mua dầu từ Nga, trừ phi Moscow chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Ban đầu, tuyên bố này đẩy giá dầu tăng mạnh; tuy nhiên, giá dầu sau đó giảm khi nhà đầu tư cho rằng Mỹ khó có khả năng thực hiện ngay lập tức.

“Thị trường vẫn tin rằng còn nhiều thời gian để đàm phán. Ngay cả nếu áp biện pháp trừng phạt mới với dầu Nga thì cũng chưa phải sớm”, ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nói với Reuters.

Hiện Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia mua nhiều dầu Nga nhất. Ông Bob Yawger, Giám đốc mảng thị trường năng lượng giao sau tại Mizuho, nhận định khả năng Mỹ áp thuế 100% lên dầu Nga “rất thấp, gần như bằng không”, bởi điều đó sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng mạnh.


Giá dầu hiện vẫn được hỗ trợ bởi kỳ vọng thiếu cung trong ngắn hạn, do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng mạnh vào mùa hè.
Số liệu hải quan Trung Quốc ngày 14/7 cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 6 đạt 12,14 triệu thùng/ngày, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thị trường đang cảm nhận rõ sự thắt chặt nguồn cung”, ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích của ngân hàng UBS, bình luận.

Trong báo cáo công bố tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu toàn cầu có thể thiếu cung trong ngắn hạn. Tuy nhiên, IEA cũng nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung và giảm dự báo nhu cầu, cho thấy nguy cơ thị trường lại rơi vào trạng thái dư cung trong dài hạn.

Trinh Ngoc Khiem

Vietcaplink Team