Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/7), với chỉ số S&P 500 và Nasdaq đồng loạt thiết lập mức đóng cửa cao kỷ lục, khi nhà đầu tư tạm thời gạt sang một bên những lo ngại về thuế quan. Ngược lại, giá dầu thô giảm mạnh do lo ngại cuộc chiến thương mại có thể kéo giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Kết thúc phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,27% lên 6.280,46 điểm; Nasdaq tăng 0,09% lên 20.630,67 điểm; Dow Jones tăng 192 điểm (tương đương 0,43%) lên 44.650,64 điểm. Đây là mức đóng cửa cao nhất lịch sử của S&P 500 và Nasdaq. Trước đó, cả hai chỉ số cũng liên tiếp xác lập các kỷ lục mới trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, đà tăng của thị trường diễn ra bất chấp những động thái cứng rắn mới về thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, hôm thứ Tư, ông Trump tuyên bố áp thuế 50% đối với kim loại đồng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/8; đồng thời áp thuế 50% lên hàng hóa từ Brazil. Đáp trả, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa tương xứng. Ngoài ra, ông Trump cũng bắt đầu gửi thư thông báo áp thuế mới tới hơn 20 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, với thời điểm áp dụng từ ngày 1/8.
Tính đến nay, chứng khoán Mỹ đã phục hồi hoàn toàn so với đợt sụt giảm mạnh hồi tháng 4, thời điểm ông Trump công bố kế hoạch áp thuế mới. So với đầu năm 2025, cả ba chỉ số lớn đều đang trong trạng thái tăng điểm.
“Định giá cổ phiếu hiện tại còn cao hơn cả đầu năm, điều này thật khó tin nếu xét đến những bất định do thuế quan mang lại. Tuy nhiên, thị trường dường như đã mất cảm giác với biến động thương mại, và đó lại là tín hiệu tích cực,” ông Mike Dickson, chiến lược gia của Horizon Investment, nhận định trên CNBC.
Một số nhà phân tích khác cũng cho rằng phản ứng của thị trường lần này khá “điềm tĩnh”, bởi nhà đầu tư tin rằng đàm phán thương mại vẫn tiếp diễn và có thể mang lại thỏa thuận.
Ở nhóm cổ phiếu công nghệ, Nvidia tiếp tục gây ấn tượng khi tăng gần 0,8%, lên mức cao kỷ lục 164,1 USD/cổ phiếu, nâng giá trị vốn hóa lên 4.004 tỷ USD. Hôm thứ Tư, Nvidia cũng đã trở thành công ty đại chúng đầu tiên chạm mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD, củng cố vị thế dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu liên quan trí tuệ nhân tạo (AI).
Trái ngược với sự lạc quan trên thị trường chứng khoán, giá dầu thô giảm mạnh. Kết phiên, dầu Brent giao sau tại London giảm 1,55 USD/thùng (tương đương 2,2%) còn 68,64 USD/thùng; dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,81 USD/thùng (2,65%) còn 66,57 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu là lo ngại thuế quan sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, dù mức độ lo ngại hiện nay đã giảm bớt so với hồi tháng 4.
“Nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng, bởi chính quyền có thể thay đổi quan điểm thuế quan rất nhanh,” ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu của Onyx Capital Group, chia sẻ với Reuters.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Reuters, liên minh OPEC+ dự kiến tiếp tục tăng mạnh sản lượng trong tháng 9, nhằm khôi phục hoàn toàn phần sản lượng đã cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên, dẫn đầu là Saudi Arabia. Đây là bước đi nối tiếp sau chuỗi đợt tăng sản lượng của OPEC+ bất chấp áp lực giá dầu giảm, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang dưới thời Tổng thống Trump nhiệm kỳ hai.