13-03-2025 |Tin tức - Sự kiện

Chứng khoán Mỹ hồi phục sau báo cáo CPI

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/3) sau hai phiên bán tháo liên tiếp, trong khi giá dầu thô cũng tăng hơn 2%. Động lực chính cho sự phục hồi này đến từ dữ liệu lạm phát thấp hơn dự báo, giúp xoa dịu lo ngại về nền kinh tế và thúc đẩy nhà đầu tư mạnh tay gom cổ phiếu công nghệ – nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trước đó.

Kết phiên, chỉ số Nasdaq tăng 1,22% lên 17.648,45 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0,49% lên 5.599,3 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones vẫn giảm nhưng mức giảm thu hẹp so với các phiên trước, mất 82,55 điểm (tương đương 0,2%) xuống còn 41.350,93 điểm.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm chịu áp lực bán mạnh nhất trong đợt giảm vừa qua với mức giảm hơn 3% từ đầu tuần, đã phục hồi ấn tượng nhờ lực bắt đáy. Nhiều cổ phiếu Big Tech ghi nhận mức tăng mạnh trong phiên, bao gồm Nvidia (+6,4%), AMD (+4%), Meta Platforms (+2%) và Tesla (+7%).

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,2% so với tháng trước và 2,8% so với cùng kỳ năm trước – đều thấp hơn mức dự báo lần lượt là 0,3% và 2,9% do Dow Jones khảo sát. CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, cũng chỉ tăng 0,2% theo tháng và 3,1% theo năm, thấp hơn dự báo.

“Dữ liệu này phần nào làm giảm bớt lo ngại về nguy cơ đình lạm và tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ. Nếu lạm phát cao hơn dự báo, Fed sẽ khó có dư địa để phản ứng khi kinh tế suy yếu,” chiến lược gia Dave Grecsek của Aspiriant Wealth Management nhận xét trên CNBC.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng khi mức thuế 25% mà cựu Tổng thống Donald Trump áp lên thép và nhôm nhập khẩu chính thức có hiệu lực vào thứ Tư. Đáp trả, Canada tuyên bố áp thuế 25% lên 20 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo mức thuế đối kháng 26 tỷ euro (28,33 tỷ USD), có hiệu lực từ tháng 4.

Diễn biến này đã gây áp lực lớn lên thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. Nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp thuế quan cùng động thái đáp trả của đối tác thương mại có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, đồng thời làm lạm phát tăng – dẫn đến nguy cơ đình lạm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đã giảm khoảng 3%. Phiên ngày thứ Ba, có thời điểm S&P 500 rơi vào trạng thái điều chỉnh (giảm 10% so với đỉnh tháng 2). Trong vòng một tháng qua, S&P 500 đã mất hơn 7%, trong khi Dow Jones giảm 6,8% và Nasdaq giảm 10,2%.

“Chúng tôi không quá bất ngờ trước đợt giảm này. Thị trường đã tăng rất mạnh trong hai năm qua, nên việc điều chỉnh là hoàn toàn hợp lý,” ông Grecsek nói thêm. “Tuy nhiên, khi vượt qua giai đoạn này, chúng ta sẽ đón nhận những tin tức tích cực hơn. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của những thay đổi quan trọng về chính sách tài khóa.”

Trinh Ngoc Khiem

Vietcaplink Team