Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/3), kéo dài chuỗi bán tháo suốt ba tuần qua. Nhà đầu tư lo ngại rằng tình trạng bất ổn về thuế quan có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Giá dầu thô giảm 1,5% do áp lực từ lo ngại suy giảm kinh tế và khả năng OPEC+ tăng sản lượng khai thác.
Kết phiên, chỉ số S&P 500 mất 2,69%, còn 5.614,56 điểm. Trong phiên, chỉ số này từng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Trong ba chỉ số chính, Nasdaq chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cú giảm 4% của Nasdaq – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022 – đưa chỉ số này xuống còn 17.468,32 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng “bốc hơi” 890,01 điểm, tương đương 2,08%, chốt phiên ở mức 41.911,71 điểm.
So với mức kỷ lục thiết lập ngày 19/2, S&P 500 đã giảm 8,7%. Nasdaq đã giảm 14% từ đỉnh gần nhất, chính thức rơi vào vùng điều chỉnh (correction market), tức giảm trên 10% so với đỉnh gần nhất.
Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử Phố Wall ngay từ đầu tuần. Dù cuối phiên, ba chỉ số chính thoát khỏi mức đáy trong phiên, nhưng thiệt hại vẫn rất đáng kể. Các nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là nhóm “Magnificent 7” gồm các công ty công nghệ vốn hóa lớn, chịu tổn thất nặng nề nhất. Nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo nhóm này để chuyển sang tài sản an toàn hơn. Cổ phiếu Tesla giảm 15% – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Alphabet và Meta mất hơn 4%, Nvidia sụt 5%, trong khi Palantir mất 10%.
Mối lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ đã gia tăng trong một tháng qua, khi loạt dữ liệu cho thấy sự suy yếu do chính sách thuế quan khó lường của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Những phát biểu gần đây của giới chức Nhà Trắng càng làm dấy lên lo ngại. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết nền kinh tế Mỹ có thể trải qua “giai đoạn thanh lọc” khi Chính phủ cắt giảm chi tiêu. Trả lời Fox News hôm Chủ nhật, ông Trump cũng nhắc đến việc nền kinh tế đang trong “giai đoạn chuyển đổi”, khiến giới đầu tư thêm bất an.
Ban đầu, thị trường không coi đây là sự thừa nhận về nguy cơ suy thoái từ chính quyền. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc lại vào cuối tuần, nhà đầu tư dường như nhận thấy tín hiệu đáng lo ngại từ những phát biểu này.
Một số tổ chức tài chính lớn đang trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ. Goldman Sachs gần đây đã mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do ảnh hưởng từ thuế quan.
“Thị trường đang trong một đợt điều chỉnh khó khăn. Sự điều chỉnh này phản ánh sự lo ngại về các chính sách thuế quan của chính quyền mới và tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định trên CNBC.
Dấu hiệu tháo chạy khỏi tài sản rủi ro hiện rõ trên Phố Wall. Chỉ số VIX đo lường mức độ sợ hãi của thị trường tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12. Giá bitcoin – tài sản rủi ro cao – lao dốc xuống dưới 80.000 USD. Trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng giá mạnh, đẩy lợi suất giảm sâu.
“Thị trường vừa có cú giảm mạnh, nhưng chúng tôi coi đây là sự điều chỉnh bình thường trong một thị trường giá lên. Lo ngại đang gia tăng và dòng tiền rút khỏi thị trường, nhưng các chỉ số kinh tế chưa đến mức quá tệ”, chiến lược gia Tom Hainlin của US Bank Wealth Management chia sẻ với Reuters.
Dù vậy, theo một khảo sát của Reuters, nguy cơ suy thoái đang gia tăng không chỉ ở Mỹ mà còn tại Canada và Mexico.
Một số chuyên gia cho rằng cổ phiếu công nghệ Mỹ bị bán tháo còn do đồng yên Nhật tăng giá mạnh, kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng. Kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Điều này dẫn đến sự đảo chiều của giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), khi nhà đầu tư vay yên để đầu tư vào tài sản có lợi suất cao hơn như cổ phiếu công nghệ Mỹ.
“Nếu muốn hiểu thị trường Mỹ đang diễn biến ra sao, hãy theo dõi lợi suất trái phiếu Nhật hơn là chính sách thuế quan. Carry trade đang bị đảo chiều, và lượng tiền nóng từng đổ vào nhóm Magnificent 7 giờ đây đang rút ra, khiến cổ phiếu công nghệ giảm mạnh”, một chuyên gia nhận định.