31-03-2025 |Tin tức - Sự kiện

Chứng khoán Mỹ bán tháo do lạm phát nóng

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/3), khi dữ liệu lạm phát cao hơn dự báo và những bất ổn về chính sách thương mại làm gia tăng tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Giá dầu cũng đi xuống do rủi ro thuế quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 715,8 điểm, tương đương 1,69%, xuống 41.583,9 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,97%, còn 5.580,94 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ năm trong sáu tuần gần đây. Nasdaq mất 2,7%, còn 17.322,99 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn dẫn đầu đà giảm. Alphabet mất 4,9%, trong khi Meta và Amazon cùng giảm khoảng 4,3%.

Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 1,53%, Dow Jones mất 0,96%, còn Nasdaq giảm mạnh nhất với mức sụt 2,59%. Riêng trong tháng 3, Nasdaq đã giảm hơn 8%, đứng trước nguy cơ ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.

Áp lực bán gia tăng sau khi dữ liệu cập nhật từ Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1993. Làn sóng bán tháo càng mạnh hơn khi báo cáo từ Cục Phân tích kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – cao hơn dự báo.

Cụ thể, PCE lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4% so với tháng trước, vượt dự báo lần lượt là 2,7% và 0,3% của các chuyên gia kinh tế do Dow Jones khảo sát. Chỉ số PCE toàn phần tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và 0,3% so với tháng trước, phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích.

Bên cạnh đó, số liệu tiêu dùng cũng gây lo ngại. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong tháng 2 chỉ tăng 0,4%, thấp hơn mức dự báo 0,5%, dù thu nhập cá nhân tăng mạnh 0,8% – gấp đôi mức kỳ vọng.

“Thị trường đang chịu áp lực từ cả hai phía. Một mặt, nhà đầu tư lo ngại về kế hoạch thuế quan có đi có lại dự kiến được công bố vào tuần tới, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu quan trọng như công nghệ. Mặt khác, mối lo về lạm phát kéo dài khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm cổ phiếu tiêu dùng tùy ý”, ông Scott Helfstein, chiến lược gia trưởng tại Global X, nhận định trên CNBC.

Dù vậy, ông Helfstein cũng lưu ý rằng dữ liệu lạm phát và chi tiêu không quá tiêu cực, có thể chỉ phản ánh tâm lý thận trọng tạm thời của nhà đầu tư khi chờ đợi các chính sách mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Mặc dù thị trường chứng khoán biến động mạnh trong những tuần gần đây, dòng tiền vẫn chưa chuyển mạnh sang tài sản trú ẩn như tiền tệ. Dường như nhà đầu tư đang cố gắng thích nghi với giai đoạn này”, ông Helfstein nói thêm.

Hàng loạt tuyên bố thuế quan từ chính quyền Trump 2.0 đã làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính. Đầu tuần này, ông Trump thông báo áp thuế 25% lên “tất cả ô tô không sản xuất tại Mỹ”, khiến cổ phiếu ngành ô tô lao dốc và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái. Giới đầu tư hiện đang hướng sự chú ý đến ngày 2/4, thời điểm ông Trump dự kiến công bố các biện pháp thuế quan có đi có lại.

Trong một động thái đáp trả, Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp thuế quan trả đũa nếu Mỹ thực hiện chính sách này vào ngày thứ Tư tới. Trước đó, Bloomberg đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các nhượng bộ nhằm giảm nguy cơ đối đầu thương mại với Mỹ.

Trinh Ngoc Khiem

Vietcaplink Team