VIETCAPLINK_BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 13.03.2023
13 Mon

VIETCAPLINK_BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 13.03.2023

I. TÓM LƯỢC THỊ TRƯỜNG

DIỄN BIẾN CHÍNH

  • Ngay sau phiên phát biểu của chủ tích Fed vào tối ngày 07/03 theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ đã rơi vào diễn biến giảm điểm mạnh khi để mất hơn 1.200 (gần 4%) trong 3 phiên từ 07 – 09/03. Tưởng chừng chỉ số VN-Index cũng sẽ chịu ảnh hưởng chung từ biến động tiêu cực này, tuy nhiên VN-Index đã bất ngờ duy trì diễn biến tăng điểm trong phiên ngày 08 và 09/03 và chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần ngày 10/03, chốt tuần tại 1.053. Tính chung cả tuần, chỉ số đã tăng đến 28,23 (+2,75%) so với mức đóng cửa của tuần trước.
  • Những cổ phiếu là tội đồ của tuần trước hầu hết đã trở lại với vai trò là cổ phiếu dẫn dắt chính cho diễn biến tăng điểm của VN-Index. Cụ thể như MSN tăng 10,4% giúp VN-Index tăng 2,8 điểm là mã ảnh hưởng lớn nhất. VPB xếp thứ 2, ngoài ra còn có 3 ngân hàng khác trong top 10 đó là CTG, BID và VCB với tổng mức ảnh hưởng +6,9 điểm lên chỉ số. VHM và VRE cũng là 2 cổ phiếu hỗ trợ mạnh đến chỉ số với mức ảnh hưởng lần lượt là +2,1 điểm và +1,1 điểm.
  • Khối ngoại có lẽ là động lực quan trọng giúp VN-Index đi ngược với diễn biến thị trường thế giới, trong tuần khối này đã mua ròng 4/5 phiên với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng trên 2 sàn. HSG và SSI là 2 cổ phiếu được khối ngoại ưa thích nhất với giá trị mua ròng lần lượt đạt 176 tỷ đồng và 164 tỷ đồng. Chiều bán ròng, DCM bị bán ra gần 100 tỷ và là cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất trong tuần.
  • Trong tuần xuất hiện thông tin quỹ ETF Fubon nộp hồ sơ để huy động thêm 4.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân từ ngày 13/03, cùng với diễn biến mua ròng trở lại của khối ngoại có lẽ là động lực quan trọng hỗ trợ tâm lý NĐT.

QUAN ĐIỂM KỸ THUẬT

  • Thị trường giảm điểm từ sớm khi mà diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới đã thúc đẩy mạnh hơn lực bán chốt lãi từ kháng cự của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, ở vùng giá thấp quanh các ngưỡng hỗ trợ phía dưới, lực mua cũng đã có sự hồi phục, giúp những VNIndex, VN30, HNX-Index, VNMidcap và VNSmallcap thu hẹp mức giảm về phía cuối ngày. Nhờ đó, các chỉ số đều duy trì được vị thế đóng cửa phía trên đường EMA20 ngày, trong đó đáng chú ý là VN-Index và VNSmallcap duy trì đóng cửa trên đường EMA50 ngày.
  • Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số chứng khoán vẫn duy trì ở mức Tích cực khi ngưỡng hỗ trợ EMA20 ngày chưa bị vi phạm. Trong khi đó, VN-Index và VNSmallcap là 2 chỉ số đang có tín hiệu kỹ thuật trung hạn ở mức Trung tính.
  • Dự báo trong phiên giao hôm nay, thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng trở lại sau nhịp giảm để củng cố vào cuối tuần. Theo đó, VN-Index sẽ kiểm định kháng cự gần nhất là vùng 1.056 điểm (kháng cự Fibonacci, tương đương với kháng cự EMA50 của chỉ số VN30). Nếu lực cầu đủ mạnh giúp VN-Index vượt qua mốc này, chỉ số sẽ kéo dài đà tăng hướng lên kháng cự tiếp theo tại 1068 điểm trước khi nhận được sự gia tăng trở lại của áp lực bán. Ngược lại, nếu VN-Index không thể vượt mốc 1.056 điểm và đảo chiều giảm xuống dưới hỗ trợ tại 1048 điểm (EMA20), nhịp hồi phục hiện tại sẽ bị thách thức.

 

QUÁN TREND THỊ TRƯỜNG

  • Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh phiên thứ Sáu sau sự sụp đổ của SVB. Chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 4 liên tiếp, rớt 345,22 điểm xuống 31.909,64 điểm.
  • Chỉ số DXY tiếp tục giảm mạnh, vàng tăng mạnh, thép và dầu tiếp đà tăng.
  • Vnindex vẫn giữ trạng thái tích cực khi tích cực lũy trên đường MA20 ngày với khối lượng ổn định, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng. Tuy nhiên, thị trường hiện tại đang tin tốt xấu đang xen, ngân hàng SVB của Mỹ sụp đổ, thanh tra đột xuất 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,ETF,…

UPDATE DANH MỤC KHUYẾN NGHỊ

  • VCB, HPG VNDirect ước tính ba quỹ ETF nước ngoài sẽ mua mạnh HPG (gần 624 tỷ đồng), VCB (gần 547 tỷ đồng).
  • HPG Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng hơn 1 triệu đồng/tấn.
  • KBC Dự kiến mua lại 1.000 tỷ trái phiếu trước hạn, cho công ty con vay 200 tỷ theo hình thức tín chấp.
  • IDC Lãi ròng năm 2023 dự báo giảm hơn 50%.
  • PC1 vượt 9 đối thủ, PC1 trúng gói thầu xây lắp điện 79,755 tỷ đồng.

KHUYẾN NGHỊ HÀNH ĐỘNG

  • Khi có tin xấu thì cần co gọn danh mục trước, đánh giá tin, phản ứng thị trường để đưa ra hành động tiếp.
  • Thị trường có tăng hay giảm thì quan trọng nhất là quản trị tài khoản của chính mình, TẬP TRUNG, cài cắt lỗ, chặn lãi bảo vệ tài khoản.
  • Tham khảo nhận định và danh mục khuyến nghị Vietcaplink để chọn lựa cơ hội.

II. LỊCH TRẢ CỔ TỨC TUẦN TỪ 13/03 - 17/3/2023

Ngành Xây dựng

  • L18: 13/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7% 

Ngành Dược phẩm

  • VDP: 14/3/2023  ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%

Ngành hóa chất

  • ADP: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6%

Ngành sách

  • EBS: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 9%

Ngành vận tải

  • PJC: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%

Ngành CNTT

  • ONE: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%

Ngành bao bì nhựa

  • HBD: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 14%

Ngành cơ khí

  • ACE: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 14%

Ngành bao bì

  • HPB: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%

Ngành thủy sản

  • ABT: 14/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%

Ngành bê tông thương phẩm

  • THG: 16/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%

Ngành dược phẩm

  • PMC: 17/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 14%

Ngành điện: 

  • KHP: 17/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%

Ngành dệt may

  • SPB: 17/3/2023 ngày GDKHQ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%

III. BẢN TIN DOANH NGHIỆP - Tóm lược

Vì sao chỉ bằng bài phát biểu dài vài phút nhưng Chủ tịch Fed có thể khiến mọi thứ thay đổi, thị trường rơi vào náo loạn?

  • Mấy ngày gần đây, mọi sự chú ý của thị trường tài chính quốc tế đổ dồn vào 1 nhân vật: ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dù chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi, bài phát biểu của ông trước Quốc hội Mỹ đã thay đổi tất cả mọi thứ. Thị trường chứng khoán từ Mỹ đến châu Âu, châu Á đều chìm trong sắc đỏ.
  • Nguyên nhân là do người đứng đầu NHTW của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “dội gáo nước lạnh” vào tâm lý lạc quan của thị trường khi bày tỏ quan điểm về lãi suất. Theo đó, lãi suất có thể tăng mạnh hơn trong thời gian dài hơn so với dự đoán.
  • Bình luận của ông Powell buộc các nhà đầu tư phải thay đổi góc nhìn về cuộc chiến chống lạm phát. Lâu nay họ vẫn mòn mỏi mong chờ Fed sẽ lui bước, nhưng giờ đây sẽ phải nhanh chóng thích nghi với tầm nhìn của những nhà hoạch định chính sách đang liên tục cảnh báo về viễn cảnh lãi suất tiếp tục tăng.
  • “2 tuần gần đây xuất hiện rất nhiều tiếng nói từ Fed khẳng định lãi suất chưa thể giảm. Và với 1 bài phát biểu ngắn gọn cùng với phần hỏi đáp xúc tích, ông Powell đã đưa các dự báo này lên 1 tầm cao mới, gần như chắc chắn sẽ xảy ra”, Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại B. Riley Wealth Management nói.
  • Trước sự kiện, thị trường đang mong đợi Fed sẽ chỉ tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp cuối tháng này. Sau đó lãi suất tăng thêm 2 lần trước khi ngừng tăng. Đến cuối năm, lãi suất cơ bản sẽ ở mức khoảng 5,25%.
  • Sau bình luận “lãi suất sẽ tăng mạnh hơn dự báo nếu như lạm phát vẫn cao”, giờ đây các nhà đầu tư đã phải điều chỉnh kỳ vọng. Mức tăng của tháng 3 sẽ lên tới 0,5 điểm phần trăm, và mức đỉnh sẽ là 5,75% trước khi Fed dừng lại.
  • Powell cũng đã nói rằng ông sẽ xem xét kỹ lưỡng các dữ liệu kinh tế sắp tới, bao gồm báo cáo việc làm được công bố vào tối nay và các chỉ số CPI, PPI vào tuần tới.
  • Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs dự báo sau cuộc họp ngày 21-22/3 của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), Fed vẫn sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm như dự báo trước đây. Tuy nhiên xác suất tăng 0,5 điểm phần trăm đã tăng rất mạnh.
  • Goldman cảnh báo nếu như Fed hành động mạnh mẽ hơn, thị trường sẽ bị tác động mạnh. Làn sóng bán tháo cổ phiếu tăng mạnh, giá hàng hóa đứng trước áp lực lớn trong khi đồng USD chắc chắn sẽ tăng giá

Dầu thô Nga bán "đắt như tôm tươi", giá tăng mạnh

  • Giá bán dầu thô và nhiên liệu của Nga đang tăng đối với những khách hàng châu Á khi nhóm khách hàng lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng mở rộng, gây áp lực lên các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn vốn đang háo hức mua được dầu giá rẻ.
  • Theo các thương nhân, mức chào giá đối với dầu thô Urals và ESPO của Nga cũng như dầu nhiên liệu đã tăng trong những tuần qua. Các thương nhân cho biết sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc như Sinopec, PetroChina Co. và Hengli Petrochemical Co. bên cạnh nhu cầu của Ấn Độ tăng vọt đã khiến họ phải mua dầu với giá cao hơn
  • Các nhà máy lọc dầu lớn hiện đã tập trung vào một ngách thường bị chi phối bởi các nhà tinh chế độc lập nhỏ hơn của Trung Quốc, vốn là những người tiêu dùng nhất quán đối với dầu thô giảm giá của Nga. Dầu ESPO của Nga đặc biệt được ưa chuộng do khoảng cách vận chuyển ngắn.
  • Giá chào dầu ESPO thường được bốc tại cảng Kozmino thấp hơn gần 6,5 USD đến 7 USD/thùng so với giá dầu Brent được giao đến Trung Quốc, trong khi các loại dầu Urals hàng đầu được vận chuyển từ các cảng phía Tây có giá thấp hơn khoảng 10 USD so với mức chuẩn. Đó là mức sau khi đã tăng tới 2 USD so với tháng trước, đánh dấu một trong những bước nhảy mạnh nhất kể từ khi lệnh trừng phạt được áp dụng vào ngày 5/12/2022.
  • Trong khi đó, giá chào dầu nhiên liệu M-100 của Nga, một loại có thể được sử dụng thay cho dầu thô để sản xuất xăng và dầu diesel, đã tăng từ 160 - 180 USD/một tấn so với tiêu chuẩn 8 định giá của Platts, tăng so với tháng trước khi phí bảo hiểm dao động quanh mức 130 USD/tấn.
  • Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng chính mua dầu thô Nga sau khi hầu hết các nước xa lánh năng lượng của Nga. Nhóm người mua sẵn sàng nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga đã tăng khi nhiều nước gạt bỏ những lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Phương Tây - đã từng khiến họ đứng ngoài cuộc.

Lãi suất ngân hàng ngày 10/3: Không còn nhà băng nào niêm yết mức 9,5% cho kỳ hạn 12 tháng, gửi tiền được lãi hơn 9%/năm bắt đầu khó

  • Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng trong sáng ngày 10/3 cho thấy, không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Thay vào đó, mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này là 9,3%/năm được Kienlongbank áp dụng kể từ 8/3, dành cho sản phẩm tiền gửi trực tuyến.
  • Ngoài Kienlongbank, chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn này là VietBank và ABBank. Các ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9%/năm có SCB, BaoVietBank, Oceanbank, VietABank và VIB.
  • Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
  • Hồi giữa tháng 2 vẫn có tới trên 10 nhà băng niêm yết lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, cùng với hàng chục ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất từ 9% trở lên. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần, lãi suất huy động 12 tháng đã giảm rõ rệt.
  • Lãi suất huy động đã đồng loạt được điều chỉnh giảm trong những ngày gần đây, sau khi các ngân hàng đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.

HSBC: Du lịch quốc tế có thể là trụ cột hỗ trợ tăng trưởng giữa lúc thương mại toàn cầu chậm lại

  • Trong báo cáo mới công bố, HSBC cho biết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ sau đại dịch.
  • Theo HSBC, trong khi tăng trưởng hàng hóa chậm lại đáng kể thì mảng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tăng trưởng nhờ du lịch quốc tế bùng nổ.
  • Chỉ tính riêng trong tháng 2, Việt Nam đón khoảng 933.000 lượt khách nước ngoài, một mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch COVID-19 tới giờ.
  • Trong đó, khách du lịch Trung Quốc đại lục tăng lên đáng kể, đạt 55.000 lượt. Mặc dù con số này chỉ bằng 10% so với mức trung bình khách du lịch Trung Quốc trước đại dịch, nhưng cần lưu ý kết quả này diễn ra trong bối cảnh tần suất chuyến bay hạn chế và không có tour theo đoàn.
  • Thêm nữa, không chỉ cần theo dõi tình hình du khách Trung Quốc đại lục mà khách du lịch từ Hàn Quốc, một thị trường trọng điểm khác với tỷ trọng khoảng 30%, cũng đã duy trì vững vàng, với lượng khách hàng tháng phục hồi khoảng 85% so với mức trước đại dịch.
  • Trong khi thương mại hàng hóa toàn cầu đã chậm lại đáng kể, HSBC nhận định du lịch quốc tế có thể là một trụ cột hỗ trợ tăng trưởng, nếu tháo gỡ được một số điểm nghẽn. Mặc dù vậy, chặng đường trở lại mức của năm 2019 có thể còn khá xa.

Tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng vào Bình Dương xây dựng Khu liên hợp công nghiệp trung hòa Carbon

  • Mới đây, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tiếp Đoàn lãnh đạo Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định do GS.Dong Hoon Huyn – Chủ tịch Tập đoàn SEP, giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
  • Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Dong Hoon Huyn cho biết, Trường Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc chuyên đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ và là trường đại học đầu tiên của Hàn Quốc có Khoa trung hòa Carbon. Hiện nay, các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyundai… đều đang tập trung chuyển đổi sang sản xuất trung hòa Carbon.
  • Dựa trên mô hình trung hòa Carbon đang được thí điểm bởi các Khu liên hợp công nghiệp Banwol-Sihwa tại Hàn Quốc, Tập đoàn SEP muốn đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ (tương đương hơn 4.700 tỷ đồng) để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa Carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu Carbon đầu tiên tại Việt Nam trên diện tích 180 hecta tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
  • Có khoảng 20 doanh nghiệp thành viên của SEP sẽ tham gia và đầu tư các giải pháp trung hòa Carbon. Thông qua dự án này, sẽ góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường; đóng góp tích cực cho định hướng phát triển "xanh" và bền vững của tỉnh.
  • Trường Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc sẽ trao học bổng toàn phần cho các sinh viên được đào tạo ngành Công nghệ môi trường tại Hàn Quốc để phục vụ cho Bình Dương trong lĩnh vực này. Thời gian tới, ông Dong Hoon Huyn mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ tích cực quan tâm, hỗ trợ để dự án sớm được triển khai.

Chúc quý NĐT ngày mới giao dịch hiệu quả!

---------------------------------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN VIETCAPLINK
Hotline: 097 374 5665
Website: https://vietcaplink.vn
Email: [email protected]
Địa chỉ: Tầng 8, tòa Thăng Long Tower số 98A Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

 

Đăng bởi Vietcaplink